Mỗi gia đình đều đang sử dụng các sản phẩm công nghệ, điện tử, từ smartphone, laptop, cho đến các món đồ như TV, tủ lạnh, máy lạnh… Trong quá trình sử dụng sẽ phát sinh những vấn đề bảo hành, sửa chữa. Những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp việc đi bảo hành của bạn trở nên đơn giản, nhanh chóng và ít khó chịu hơn.
Chụp hình, quay phim lại ngay khi có thể
Có những lỗi mà khi bạn tới trung tâm bảo hành thì nó biến mất. Thế nên việc cần làm khi xảy ra lỗi là nhanh chóng quay lại video lỗi (hoặc chụp hình, nhưng nên quay video hơn) để khi cầm tới trung tâm bảo hành thì có thể mô tả đúng hơn và tái hiện lại cho các bạn kĩ thuật xem.
Không chỉ với laptop, smartphone hay tablet, bất kì lúc nào bạn thấy lỗi trên bất kì thiết bị nào dù đó là điện gia dụng đi nữa thì hãy quay video lại ngay, và nhớ mang video đó theo lúc đi bảo hành nhé. Có thể nhân viên sẽ nhờ bạn gửi video đó cho họ để họ lưu trữ luôn đấy.
Hãy thành thật nếu đó là lỗi của bạn
Các kĩ thuật viên bảo hành có đầy đủ đồ chơi để xác định nếu lỗi gây ra là do bạn. Thường thì các lỗi do bạn gây ra thì sẽ không được bảo hành, hãng nào cũng vậy, đồ dùng nào cũng vậy chứ không chỉ riêng đồ công nghệ. Laptop, smartphone, desktop, TV, máy lạnh, đồ điện gia dụng nói chung… đều làm hướng này. Vì thế, nếu máy bị hỏng hóc do lỗi của bạn và bạn biết điều đó, thì hãy thành thật nói với kĩ thuật viên để họ đề ra hướng xử lý cho bạn.
Ví dụ, họ có thể đề ra cách xử lý là thu lại đồ cũ bị hỏng và bạn bù tiền để nhận sản phẩm mới (ví dụ: Apple Watch). Họ cũng có thể biết một số chương trình bảo hành hiện có của nhà sản xuất và nếu có một cái nào đó phù hợp với sản phẩm hỏng của bạn, thì họ có thể sẽ hỗ trợ tận tình và có thể bạn sẽ được sửa mà không mất phí gì cả. Hoặc chỉ đơn giản là họ sẽ sửa chữa tính phí cho bạn. Vì thế gian dối không giúp gì được cho bạn trong bất kì trường hợp nào, và khi đi bảo hành cũng thế.
Chuẩn bị sẵn giấy tờ, hóa đơn mua hàng cho đỡ tốn thời gian đi lại
Một số nhà sản xuất hoặc cửa hàng vẫn còn bảo hành dự theo giấy tờ mà họ đưa cho bạn khi mua. Đó có thể là phiếu bảo hành, có thể là hóa đơn mua hàng… Thế nên khi bạn mua những món đồ công nghệ về nhà, hãy lưu trữ những giấy tờ có liên quan vào một bao hồ sơ riêng. Khi cần dùng, bạn có thể lục trong tập hồ sơ này để lấy ra tờ giấy bạn cần, chứ đửng vứt lung tung khi cần tìm lại thì mệt mỏi lắm.
Nếu bạn mua hàng online, hãy lưu lại file PDF hoặc file ảnh của hóa đơn mua hàng hoặc biên nhận mà nhà bán lẻ gửi email cho bạn. Bạn có thể lưu file này vào Evernote và đặt tên là “Hóa đơn mua ” để có thể search lại rất nhanh khi cần.
Với những hãng nào bảo hành theo số series thì bạn không cần mang theo giấy tờ gì khi đi bảo hành, nhưng để chắc ăn thì vẫn nên gọi điện cho trung tâm bảo hành trước khi đi, hỏi họ xem bạn có cần mang gì theo ngoài cái máy hay không vì có một số nơi vẫn yêu cầu bạn đem hóa đơn mua hàng.
Bạn có thể gọi hỗ trợ đến tận nhà nếu món đồ đó quá to
Mình từng gọi bảo hành cho con TV Sony nhà người thân, thì Sony có dịch vụ cho xe tới tận nhà chở cái TV đi bảo hành. Trong bối cảnh không phải ai cũng có xe hơi để chở những món đồ to thì các dịch vụ như thế này là rất cần thiết. Ngoài TV, dịch vụ này cũng sẽ hữu ích khi bạn cần bảo hành máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh và những đồ gia dụng to lớn khác.
Ngoài ra, một số món có thể sẽ được sửa chữa tận nhà, và bạn nên tận dụng điều đó để đỡ mất công chở tới chở lui. Mạnh dạn gọi điện lên trung tâm bảo hành hỏi cho rõ, số thì bạn có thể dễ dàng Google được.
Sao lưu trước dữ liệu của bạn
Nếu bạn đi bảo hành và may mắn được đổi máy mới, chắc chắn dữ liệu trên máy cũ của bạn sẽ mất hết. Hoặc nếu xui xui máy bị nặng quá chết hẳn luôn, thì cũng có thể bạn bị mất dữ liệu. Vậy nên bạn luôn backup dữ liệu của mình trước khi mang máy tới trung tâm bảo hành nhé. Nhân viên kĩ thuật cũng thường hỏi bạn đã backup chưa, nếu chưa thì đem về backup rồi quay lại vì họ không chịu trách nhiệm nếu lỡ dữ liệu có hư hao mất mát.
Điện thoại, laptop là hai cái sẽ cần backup dữ liệu trước khi bảo hành.
Nên tìm, mượn một cái máy tính hoặc điện thoại khác để xài trong lúc chờ
Riêng với laptop và smartphone, khi đi bảo hành khả năng cao là bạn sẽ phải để máy lại trung tâm bảo hành cho kĩ thuật viên kiểm tra. Điều này có nghĩa là bạn không có laptop để làm việc trong vài ngày (thậm chí vài tuần, nếu phải đợi sửa chữa và nhập linh kiện về), bạn không có điện thoại để xài trong ít hôm.
Vậy nên khi điện thoại và máy tính hỏng thì bạn nên xác định là phải đi mượn 1 thiết bị thay thế dùng tạm trong thời gian chờ đợi. Nếu bạn làm ở công ty, hãy hỏi phòng IT xem có thiết bị nào bạn có thể dùng tạm trong lúc chờ hay không (với các công ty cho phép BYOD – tự xài thiết bị của bạn, còn nếu xài máy công ty thì bạn chẳng cần lo gì rồi). Mình cũng từng thấy một số dịch vụ cho thuê laptop rao trên Facebook, anh em có thể tìm theo từ khóa này thử.