Tăng lãi suất tái chiết khấu: ‘Liều thuốc’ bắt đúng bệnh?

Tài chính Ngân hàng( NDH ) Công ty Chứng khoán Ngân Hàng BIDV vừa phản hồi quyết định hành động tăng lãi suất vay tái chiết khấu thực ra đã “ gãi đúng chỗ ngứa ”, được mong đợi từ lâu, …

Ngày 9/3/2011, Ngân hàng Nhà nước (NNHN) đã ban hành quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ NHNN đối với các ngân hàng đã được điều chỉnh tăng lên 12,0%/ năm kể từ 08/03/2011.

Đặc biệt, trong quyết định này, lãi suất tái chiết khấu đã được điều chỉnh với mức tăng mạnh từ mức 7% lên 12%.

Ngay lập tức thông tin về tăng lãi suất này đã được nhiều nhà đầu tư cho rằng sẽ là thông tin không tốt và thực tế đã ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán phiên ngày 9/3/2011.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, quyết định tăng lãi suất tái chiết khấu thực chất đã “gãi đúng chỗ ngứa”, được mong chờ từ lâu, và là “liều thuốc” bắt đúng bệnh nhất để giảm lạm phát và giảm lãi suất.

Theo BSC, với quyết định này, NHNN sẽ giải quyết tình trạng luồng tiền chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng như đã xảy ra phổ biến cuối năm 2010. Động thái này cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công, và về lâu dài, sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư toàn xã hội và giảm lạm phát. Ngoài ra, khi khối doanh nghiệp không còn chịu sự “lấn át đầu tư” từ đầu tư công, thì lãi suất có thể có hy vọng giảm trong tương lai gần. Do vậy, đối với thị trường chứng khoán, nên hiểu đây là quyết định mang tính tích cực thể hiện sự quyết liệt và nhất quán của Chính sách đối với mục tiêu ổn định vĩ mô năm 2011.

Theo BSC, các điểm tích cực bao gồm hai điểm sau:

Thứ nhất, việc tăng lãi suất tái chiết khấu lên mức 12% đã hạn chế cơ chế “nguồn vốn giá rẻ”, một lợi thế riêng với các ngân hàng lớn có nguồn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) khi các ngân hàng này có thể mua TPCP và mang TPCP cầm cố tại NHNN và chỉ phải chịu mức lãi suất chiết khấu thấp. Rõ ràng, một lượng tiền lớn cung ứng ra từ NHNN được sử dụng để mua TPCP thay vì tăng nguồn tín dụng cho doanh nghiệp.

Do vậy với việc để lãi suất chiết khấu thấp, NHNN có thể đã tạo sự ưu ái đặc biệt đối với nguồn vốn cho các dự án đầu tư công của chính phủ, lấn át đầu tư của doanh nghiệp.

Khi đã có sự ưu ái này, các ngân hàng thương mại lớn còn có thể tận dụng TPCP cầm cố tại NHNN và dùng nguốn vốn này để cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhỏ, nắm giữ ít trái phiếu Chính phủ muốn cải thiện tình trạng thanh khoản phải thu hút tiền gửi dân cư bằng việc tăng lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay vì thế cũng bị đẩy lên, mặt bằng lãi suất cao dần một phần không nhỏ do sự tồn tại của cơ chế “vốn đầu vào giá rẻ”. Vì thế, cung tiền tăng mà doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng.

Với lãi suất tái chiết khấu tăng lên mức 12% kết hợp với lãi suất thị trường mở 12%, kênh tái chiết khấu giá rẻ hay sự ưu ái nguồn vốn đầu vào đã chính thức được NHNN “đóng lại”. Cơ hội tìm kiếm và thu hút khách hàng để huy động vốn và cho vay sẽ được chia đều giữa các ngân hàng thương mại lớn và ngân hàng thương mại nhỏ, cơ hội để tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ được mở rộng hơn, theo đó lãi suất sẽ dần ổn định. Chất lượng của cung tiền bơm ra đối với nền kinh tế sẽ được cải thiện. Hiệu quả đầu tư toàn xã hội tăng và do vậy, lãi suất và lạm phát do vậy sẽ có cơ hội giảm trong tương lai gần.

Thứ hai, tăng các lãi suất chủ chốt sẽ phát tín hiệu về sự đồng thuận các chính sách kiềm chế lạm phát. Chúng tôi không bất ngờ về việc tăng lãi suất tái chiết khấu dù mức tăng 5% lần này là khá lớn. Trước đó, NHNN cũng đã có những động thái mang tính thắt chặt như Quyết định số 271/QĐ-NHNN ngày 17/02/2011, nâng lãi suất tái cấp vốn và 1 số lãi suất chủ chốt khác lên 11% cùng với việc quy định trần lãi suất huy động 14% theo chỉ thị 02/CT-NHNN.

Thực chất, động thái tăng lãi suất tái chiết khấu đã được BSC kỳ vọng từ trước nằm nhằm thể hiện tính thống nhất và đồng thuận cao, nằm trong gói giải pháp chung nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ (Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011).

Có lẽ, sự trễ trong việc tăng lãi suất tái chiết khấu so với các lãi suất còn lại trong thời gian qua có thể được hiểu là để Chính phủ có thời gian giải quyết những vấn đề còn tồn đọng với nguồn của đầu tư công là TPCP. Sau khi các vấn đề này được giải quyết, việc tăng lãi suất chiết khấu là một tất yếu trong chủ trương chống lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô.

Do vậy, nên hiểu đây là một động thái tích cực. Sự đồng thuận chính sách này sẽ có tác dụng tích cực trong việc lấy lại niềm tin của người dân về khả năng ổn định nền kinh tế vĩ mô trong nước trong thời gian tới, nhất là đối với quan sát của nhà đầu tư nước ngoài.

Tóm lại, BSC nhận định rằng,trong ngắn hạn, việc đón nhận thông tin tăng lãi suất chủ chốt có thể sẽ không mấy tích cực với thị trường bởi lo ngại lãi suất tăng, lượng tiền trong nền kinh tế theo cách hiểu chung sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn hạn, đây là tin tích cực, và góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư công gây ảnh hưởng đến lãi suất và lạm phát.

Với quyết định này, cùng với hàng loạt các biện pháp nhất quán trong việc điều hành hướng tới sự ổn định vĩ mô, BSC hy vọng lãi suất sẽ giảm khi dấu hiệu lạm phát cho thấy giảm, có thể vào giai đoạn tháng 5, tháng 6 năm 2011, và dòng vốn sẽ vận động một cách thông suốt hơn trong nền kinh tế. thị trường chứng khoán có thể nhận được sự tích cực khi các dấu hiệu này được thể hiện.

Lê Toàn – NDH

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM