Hai năm thực hiện nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn

Xác định rõ vai trò quan trọng của ngành nghề nông thôn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, trong đó phải kể tới Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định 52) với nhiều nội dung, cơ chế, chính sách mới. Kết quả sau 2 năm triển khai sâu rộng Nghị định 52 của Chính phủ, đời sống người dân nông thôn được nâng cao rõ rệt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế dịch vụ ở nông thôn tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiệu quả phát triển ngành nghề nông thôn

Hai năm thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương cũng đã phê duyệt và thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; xây dựng các chính sách hỗ trợ và hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề tham gia các hội chợ trong và ngoài địa phương như: Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, hội chợ thương mại, hội chợ Agroviet, hội chợ làng nghề… Nhờ sự vào cuộc chủ động của các bộ ngành, địa phương, ngành nghề nông thôn đã có bước phát triển với nhiều khởi sắc.

 Hai năm thực hiện nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn

Ảnh minh họa ( Nguồn : Internet )

Năm 2020, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn là trên 817 nghìn cơ sở, tăng 119 nghìn cơ sở so với năm 2017 (thời điểm trước khi có Nghị định 52 của Chính phủ). Tổng số lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn là trên 2,3 triệu lao động, tăng 300 nghìn lao động so với năm 2017 (tăng 15%). Tại nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện đạt 236,2 nghìn tỷ đồng, tăng 40 nghìn tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017; trong đó các nhóm ngành nghề sản xuất đồ gốm sứ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc có giá trị cao nhất. Về giá trị xuất khẩu, ngành nghề nông thôn có mức độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Hiện, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu.

Từ năm 2018 đến nay, đã có 337 nhãn hiệu tập thể, 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý cấp cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn. Đồng thời, triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào 51 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, 42 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ cho phát triển ngành nghề nông thôn vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, dược liệu, chế biến muối, sinh vật cảnh… Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 60 mô hình, dự án thí điểm về phát triển ngành nghề nông thôn và 100 mô hình thuộc Chương trình Khuyến công quốc gia. Các địa phương cũng đã rà soát và công nhận được 25 nghề truyền thống, 94 làng nghề và làng nghề truyền thống, 137 nghệ nhân và 140 thợ giỏi.

Mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng phát triển của ngành nghề nông thôn, làng nghề thời gian qua còn nhiều hạn chế như: Hiệu quả kinh tế, năng suất lao động ở nông thôn hiện còn thấp; đời sống của người dân, nhất ở vùng sâu, vùng xa chưa cao; sự phân bổ của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ, tập trung ở khu vực dân cư có mặt bằng chật hẹp không có khả năng mở rộng; cơ sở hạ tầng làng nghề còn yếu.

Thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường; thiếu đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, kỹ năng nghề cao và sự am hiểu về xu hướng thị trường còn yếu; việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, lãi suất vay còn cao, thời hạn vay ngắn nên không đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Sản phẩm làm ra phần lớn không theo chuỗi giá trị, công ăn việc làm chưa được đảm bảo; nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống chưa cao; nhiều địa phương còn lúng túng, chưa cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ và thu hút vốn phát triển, di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp tập trung còn chậm; công tác đào tạo nghề, truyền nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.

Phát triển ngành nghề nông thôn thời gian tới

Để phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thời gian tới cần phát triển theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, trong đó tập trung vào các giải pháp như:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước, ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề và làng nghề truyền thống.

Hai là, tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, tổ chức công nhận nghề làng nghề, công nhận và tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi.

Ba là, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồng thời chú trọng đến xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tại làng nghề tham gia nghiên cứu khoa học.

Năm là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại – du lịch của các địa phương và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển du lịch làng nghề…

Sáu là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về ngành nghề nông thôn, thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống; nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng nông thôn; xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn ở những nơi có lợi thế để có thể tập hợp nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới./.

Hùng Ngân

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM