Lỗi sai cơ bản khi viết mục tiêu nghề nghiệp trong hồ sơ xin việc
Hằng ngày, những trung tâm giới thiệu việc làm tiếp quản hàng chục nhu cầu tìm nhận sự của các cơ quan tổ chức để giới thiệu đến người lao động. Vòng xoay công việc cứ thế, là sự luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, từ công ty này sang công ty khác. Tuy nhiên, có những người cầm hồ sơ xin việc đi rất nhiều nơi, nhưng đều không được tiếp nhận đơn giản vì những lỗi trong khâu chuẩn bị hồ sơ mà trong đó nhiều nhất là lỗi sai trong viết mục tiêu nghề nghiệp. Sau đây, chúng tôi sẽ chỉ ra những lỗi sai cơ bản khi viết mục tiêu nghề nghiệp trong hồ sơ xin việc.
Mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective) trong các CV xin việc là một lời khẳng định ngắn gọn, có trọng tâm, xác định rõ ràng định hướng công việc của bạn, đồng thời, khẳng định được bạn là người phù hợp nhất cho vị trí mà công ty đang tuyển dụng. Mục tiêu này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và đặc biệt là phải bám sát với những gì mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Hay nói cách khác… đây không phải là lời khẳng định chung chung mà nó cần phải rõ ràng, đúng mục tiêu và là cách để bạn nói với nhà tuyển dụng rằng “này, tại sao anh lại phải lãng phí thời gian đọc các hồ sơ khác khi người mà anh cần tìm đang xuất hiện ngay trên tờ giấy mà anh đang đọc?”. Mục tiêu nghề nghiệp thường chỉ gói gọn trong một câu về định hướng trong tương lai của bạn và liệu bạn sẽ muốn trở thành ai tại công ty mà bạn muốn làm việc.
Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế là không nhiều người đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp trong hồ sơ hay chẳng biết viết mục tiêu như thế nào cả.
Khi nào thì CV nên có mục tiêu nghề nghiệp?
- Bạn là sinh viên ra trường hay còn thiếu kinh nghiệm làm việc ở vị trí muốn ứng tuyển?
- Bạn đang nhảy việc?
- Bạn đang hướng tới một vị trí hoặc một nghề cụ thể?
- Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ một câu hỏi nào trong 3 câu hỏi trên thì mục tiêu nghề nghiệp là thứ mà cần có một “chỗ đứng” trong hồ sơ xin việc.
Hãy tưởng tượng nhà tuyển dụng sẽ rối trí như thế nào khi họ nhận được một CV ứng tuyển vị trí điều phối viên với 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tiếp thị? Lúc này, việc nhấn mạnh sự thay đổi định hướng nghề nghiệp cũng như cam kết theo đuổi nó cả đời trong phần mục tiêu sẽ là thứ để HR cân nhắc hồ sơ của bạn đấy.
Ngược lại, nếu không có mục này trong đơn xin việc, họ sẽ cho rằng bạn gửi nhầm CV đến công ty, họ sẽ bỏ qua và chuyển sang hồ sơ của ứng viên khác.
Ngoài ra, một mục tiêu rõ ràng với vị trí cụ thể cũng sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được CHÍNH XÁC bạn muốn làm gì chứ không phải một cách chung chung như “Tôi muốn làm việc trong công ty của bạn bởi vì tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời. Tôi sẵn sàng đảm nhận bất cứ vị trí gì nếu được tuyển”.
Tổng hợp những lỗi sai cơ bản khi viết mục tiêu nghề nghiệp trong hồ sơ xin việc
1. Một mục tiêu nghề nghiệp cho tất cả các vị trí ứng tuyển
Chẳng hạn: “Được làm một công việc trong lĩnh vực đã chọn sẽ thử thách tôi và cho phép tôi sử dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy để phát triển bản thân cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng và cải tiến của công ty trong thời gian tới”.
Mục tiêu của bạn là trở thành một ứng viên lý tưởng và nó cũng ám chỉ chắc chắn rằng bạn chính xác là người mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Tuy nhiên, trừ khi bạn đang apply vào một nhà máy chỉ có duy nhất một hoạt động cắt bánh và tất cả các nhân viên đều làm một nhiệm vụ y hệt nhau, còn không thì mục tiêu này của bạn chẳng hề có ý nghĩa gì cả. Nó không phải là thứ phù hợp với tất cả các vị trí.
2. Mục tiêu chỉ đề cập đến bạn
Đây là “bẫy” mà không ít các ứng viên, đặc biệt là sinh viên mới ra trường mắc phải. Họ liệt kê tất cả những thứ họ muốn vào mục này mà chẳng hề nhắc đến vị trí đang ứng tuyển.
Chẳng hạn: “Tôi muốn làm việc tại một công ty với thu nhập ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp, các chính sách và chế độ đãi ngộ tốt cho nhân viên. Tôi cam kết sẽ cống hiến hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty trong thời gian tới”.
3. Mục tiêu nghề nghiệp quá mập mờ
Chẳng hạn: “Một công việc toàn thời gian cho phép tôi tối ưu hóa tất cả các kỹ năng và kiến thức chuyên sâu của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó”.
Nhà tuyển dụng biết bạn có kỹ năng và kiến thức nhưng ngoài chúng ra, mục tiêu này chẳng có thứ gì khác. Bạn có kỹ năng gì? Bạn có thực sự muốn làm việc không? Bạn muốn làm việc ở vị trí gì?
4. Mục tiêu dài dòng
Mục tiêu nghề nghiệp chỉ nên ngắn gọn trong 1 đến 2 câu chứ không phải là một cuốn tiểu thuyết. Hãy ngắn gọn, đầy đủ và tập trung vào công việc.
5. Mục tiêu không nhấn mạnh tới giá trị tạo ra cho công ty
Lỗi thứ 5 này là sai lầm tệ nhất và cũng dễ mắc phải nhất. Mặc dù chỉ ra được các điểm mạnh, vị trí ứng tuyển nhưng bạn lại chẳng hề nhấn mạnh tới việc sẽ tạo ra giá trị gì cho công ty cả.
Chẳng hạn: “Tối ưu hóa các kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy được với tư cách là một nhân viên Marketing Online sáng tạo, nhiệt huyết và năng nổ nhất”.
Nguồn: Englishteacher.edu.vn