Giấm táo và giấm chuối trong vắt đơn giản tốt cho sức khoẻ
Giấm là nguyên liệu nấu ăn khá quen thuộc trong mỗi căn bếp. Hãy cùng chúng tôi làm giấm từ những nguyên liệu đơn giản và dễ làm tại nhà.
Giấm là gì?
• Giấm là một loại chất lỏng có vị chua được lên men từ rượu và một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của các chị em nội trợ.
• Thành phần chính của giấm là axit axetic (CH3COOH) và có nồng độ pH từ 2,4. Chất axit trong giấm mạnh hơn cả cà phê và nước cam. Tuy nhiên nồng độ đó vẫn thấp hơn nồng độ axit trong dạ dày.
Một vài công dụng của giấm:
• Kích thích tiêu hóa: Giấm có tác dụng làm cho bạn tiết nước bọt và làm tăng cảm giác thèm ăn.
• Hỗ trợ sát khuẩn đường ruột: giấm có thể chế ngự nhiều loại vi khuẩn ở đường ruột, nhờ đó mà giấm có thể nâng cao khả năng diệt khuẩn ở đường ruột.
• Tăng hấp thụ canxi: giấm có khả năng hòa tan canxi trong động vật.
• Bảo vệ vitamin C: bạn nên cho thêm một chút giấm đối với các món ăn có nhiều vitamin C để làm giảm lượng thất thoát trong lúc nấu ăn.
• Giảm xơ cứng động mạch: giấm cũng có tác dụng giảm huyết áp và giảm xơ cứng động mạch.
• Đau bụng giun: uống 50 ml giấm pha với 50 ml nước ấm có thể làm giảm các cơn đau bụng do giun gây ra.
• Bên cạnh đó, giấm còn có một số tác dụng khác như: giúp dễ ngủ, hỗ trợ táo bón và chống say xe.
Cách làm giấm bằng chuối đơn giản
Thời gian thực hiện:
• Tạo giấm cái: 45 – 60 ngày (tùy thời tiết)
• Nuôi giấm: 15 – 20 ngày
Nguyên liệu bên dưới chuẩn bị cho 5 – 6 lít giấm cái.
Nguyên liệu và dụng cụ
• 5 trái chuối chín (Nên chọn những trái chín vừa để giấm đạt độ ngon nhất)
• 1 trái dừa tươi
• 100g đường cát trắng
• 100 ml rượu gạo
• 5 lít nước sôi để nguội
• Dụng cụ: hũ thủy tinh, nồi, chén…
Lưu ý: Đối với cách làm này bạn nên sử dụng chai/lọ thủy tinh để đựng giấm. Vì giấm có tính axit để trong chai/lọ nhựa có thể gây ra các chất độc hại cho cơ thể.
Các bước làm giấm chuối tại nhà
Bước 1: Tạo giấm cái
• Bạn bóc sạch vỏ chuối, sau đó bạn có thể để nguyên hoặc cắt làm đôi để dễ dàng cho vào hũ.
• Cho nước dừa tươi, chuối đã bóc vỏ và rượu vào hũ. Châm thêm nước sôi và chỉ châm đến 8/10 hũ.
• Sau đó đậy nắp và để hũ ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Bạn nên để yên hũ và hạn chế xê dịch để giấm có thể lên men 1 cách tốt nhất.
• Khoảng 45 – 60 ngày sau (số ngày có thể thay đổi tùy theo thời tiết), trên mặt hũ sẽ xuất hiện 1 lớp váng có màu trắng đục, đó được gọi là “con giấm”.
• Càng để lâu con giấm sẽ càng dày lên và có hình dáng giống như 1 con sứa lớn. Để càng lâu thì độ chua của giấm sẽ càng tăng, bạn cần nếm thử xác định độ chua phù hợp của giấm.
• Lúc này bạn cần chiết giấm ra 1 cách thật nhẹ nhàng để con giấm không bị vỡ ra.
Bước 2: Nuôi giấm
• Khi đã chiết hết nước giấm ra, bạn vẫn phải để nguyên xác chuối ở trong hũ.
• Sau đó pha nước đường với tỷ lệ 1 chén đường, 6 chén nước lọc. Bạn khuấy đều cho đường hoà tan, rồi đổ lại hũ giấm ban đầu và chỉ đổ nước đường ở mức 8/10 hũ.
• Khi cho nước đường vào hũ giấm thì thời gian chua sẽ nhanh hơn lúc đầu và sẽ hình thành những con giấm khác. Bạn vẫn phải để hũ ở những nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.
• Sau 1 thời gian giấm chua thì bạn tiếp tục chiết ra rồi lại cho nước đường vào hũ theo tỷ lệ ban đầu.
Bước 3: Gây hũ giấm mới
• Sau mỗi lần chiết giấm và châm nước đường, con giấm mới sẽ được hình thành và lớp con giấm đầu tiên sẽ rất dày.
Khi con giấm ban đầu đã quá dày thì bạn cần phải gây 1 hũ giấm mới. Bạn vớt nhẹ tay con giấm và cho qua 1 hũ thủy tinh khác, sau đó châm nước đường theo tỷ lệ 1:6 như ban đầu là được.
Bước 4: Lọc lấy thành phẩm
• Giấm đã chiết ra là đã có thể sử dụng, muốn giấm ngon hơn bạn có thể cho giấm qua 1 tấm vải thưa hoặc 1 cái rây lọc và lọc lại 1 lần nữa.
• Mách bạn: Muốn sử dụng lâu thì bạn đem giấm đi nấu sôi sau đó để nguội, cho vào chai/lọ thủy tinh là dùng được. Vì khi không đun sôi, giấm để lâu sẽ tiếp tục hình thành con giấm và chua hơn.
• Thành phẩm
• Giấm làm tại nhà bằng chuối sẽ có màu trắng trong và hơi đục. Giấm có thể bảo quản và sử dụng nhiều lần và có thể làm gia vị chế biến nhiều ăn.
Mẹo thực hiện thành công:
• Bạn nên đậy nắp hủ bằng 1 tấm vải hoặc 1 tờ giấy thấm dầu để giấm có thể trao đổi khí và lên men nhanh hơn.
• Bạn có thể xin được con giấm của người đã làm giấm trước đó, việc này cũng có thể giúp cho giấm bạn làm lên men nhanh hơn việc tạo ra 1 hũ giấm cái.
• Bên cạnh việc sử dụng chuối, bạn có thể cho thơm (dứa) vào để giấm có màu vàng đẹp và có mùi thơm.
• Bạn phải để hũ giấm ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp kể cả hũ giấm cái hay giấm đã được chiết.
Cách làm giấm táo đơn giản tại nhà
Nguyên liệu và dụng cụ
• 200g táo mèo (sơn tra)
• 1 lít nước ấm (40 – 50 độ C)
• 1 trái chuối chín (chuối sứ hoặc chuối già)
• Dụng cụ: hũ đựng thể tích 2 lít, thau, khăn xô (vải màng hoặc giấy thấm dầu)…
Lưu ý: Táo mèo chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 7 – tháng 10 hằng năm, do đó bạn cần tranh thủ mua nếu muốn làm món giấm này.
Mách bạn:
– Cách chọn táo mèo ngon
• Khi làm giấm thì bạn nên chọn những quả táo nhỏ hoặc vừa. Chọn những quả dẹt, bên ngoài sần và vỏ ráp.
• Chọn táo mèo có vỏ hồng trắng hoặc vàng và màu nhìn tự nhiên là những quả táo ngon.
• Ngoài ra, những quả táo có vị chua nhẹ, hơi chát và không quá ngọt thì đấy là những quả táo tự nhiên và chuẩn vùng Tây Bắc.
– Nếu không mua được táo mèo bạn có thể sử dụng các loại táo khác có bán trên thị trường. Nhưng nếu có điều kiện bạn nên cân nhắc lựa chọn táo mèo vì đây là một loại quả có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các bước làm giấm táo tại nhà
Bước 1: Rửa táo mèo
• Bạn cắt bỏ phần đầu và phần đuôi của táo mèo. Vì những phần thường chứa nhiều bụi bẩn và các con mọt, không bỏ đi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấm.
• Sau đó cắt làm đôi quả táo và cho ngay vào một thau nước muối pha loãng. Vì táo này đa số là táo mọc tự nhiên, khi người dân thu hoạch không tránh khỏi việc rớt hoặc dập, nên bạn cần bỏ đi những phần bị dập nát đó để giấm ngon hơn.
• Ngâm táo khoảng 10 – 15 phút trong nước muối loãng thì bạn vớt táo ra và cho ra rổ rồi để thật ráo nước.
Bước 2: Tiến hành làm giấm táo
• Cho hết số táo đã rửa sạch vào hũ, cho thêm 1 trái chuối chín để nguyên hoặc cắt thành từng khúc đều được.
• Đổ nước ấm vào hũ sao cho nước ngập hết phần táo. Sau đó dùng khăn, vải mùng hoặc giấy thấm dầu đậy kín nắp hũ. Việc làm này sẽ giúp giấm có sự trao đổi khí để giấm lên men nhanh hơn và không bị hỏng.
• Để hũ ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và ngâm trong khoảng 30 – 35 ngày là có thể sử dụng được.
Thành phẩm
Giấm hoàn thành sẽ có màu vàng đục và có một lớp màng mỏng trắng ở phía trên. Giấm đạt sẽ có mùi thơm dễ chịu và không có các loại côn trùng bay “lãng vãng” xung quanh nắp hũ