Bạn đã biết các bài thuốc hay từ quả cà na chưa
Cà na là một loài trái cây của xứ miền Tây có vị chua chát và được khá nhiều người yêu thích. Mặc dù giá trị kinh tế của loại quả này thấp nhưng mà nó có tác dụng lớn cho sức khỏe
Cà na là gì? Công dụng của trái cà na? 7 bài thuốc từ trái cà na
Cà na là một loài trái cây của xứ miền Tây có vị chua chát và được khá nhiều người yêu thích. Tuy có giá trị nhỏ về kinh tế nhưng cà na lại mang đến khá nhiều công dụng bất ngờ.
Trước đây cà na được xem như là loại cây dại bởi chúng mọc hoang tại các vùng đất phèn mặn ở miền Tây. Cà na thường được thu hoạch vào khoảng tháng 7 (khoảng tháng 8 âm lịch). Trái cà na có quả hình bầu dục nhọn, dài 3 cm. Quả già có màu xanh đậm, vị chát, còn trái chín có màu xanh nhạt, vị chua.
Những công dụng tuyệt vời của trái cà na
Tuy “nhỏ” nhưng có “võ”, cà na không chỉ là một loại trái ăn chơi mà nó còn mang lại những công dụng tuyệt cho sức khoẻ chúng ta.
Theo Đông y, trái cà na có vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc, vào 2 kinh Phế và Vị (Phổi và Dạ dày).
Công dụng của quả cà na được ghi chép trong nhiều sách y khoa như cuốn “Thực liệu bản thảo” hay “ Nhật hoa tử bản thảo”.
Có thể kể đến một số công dụng bất ngờ đến từ trái cà na sau:
• Dùng để chữa sưng hầu, sưng amidan, ho nhiều
• Trái cà na tươi còn xanh có thể dùng để giải độc rượu, chữa ngộ độc do cá độc, con dải.
• Trái chín có tác dụng an thần, chữa động kinh.
• Nhân hạt cà na có tác dụng trị giun và hóc xương.
• Vỏ cây cà na dùng để trị dị ứng sơn, đau nhức răng.
• Nhựa cây cà na được chưng cất để lấy tinh dầu dùng trong điều chế nước hoa, xà phòng,…
Bên cạnh đó, cà na còn chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao cho cơ thể như: canxi cao, sắt, vitamin C.
Một số chất như thymol, P-cymene, nerol, geraniol, S-cadinene, B-caryophyllene, a-copaene, elemol,…
Chính vì vậy cà na rất thích hợp cho trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai và những người trung trung niên có cơ thể bị suy nhược.
Tuy nhiên cái gì nhiều quá cũng không hẳn là tốt. Để tận dụng tối đa công dụng của trái ca na bạn cần tìm hiểu kỹ về cách chế biến cũng như lượng nạp vào cơ thể vừa phải.
Những bài thuốc quý của trái cà na
Theo thông tin tổng hợp từ trang Hội Dược liệu Việt Nam cho hay cà na còn là một trong những dược liệu cho các bài thuốc cổ truyền giúp điều trị một số bệnh lý.
Chữa khô cổ, ho, mất ngủ
Dùng ngày 20 – 30 quả cà na (bỏ hột) đập dập nấu nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật ong để uống.
Chữa sốt cao, khô môi miệng, khát nước
Cà na làm sạch, bỏ cuống sau đó mang giã nát trái cà na vắt lấy nước uống hàng ngày.
Ho khản cổ
Cà na tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát. Cho vào nồi đất đổ ngập nước, nấu uống. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.
Chữa kiết lỵ ra máu
Cà na và ô mai lượng bằng nhau đốt thành tro. Ngày dùng 9g uống với nước cơm.
Ngộ độc cá nóc
Dùng trái cà na 30g sắc nước uống. Cách này cũng dùng cho trẻ em lên sởi và chữa bệnh hoại huyết.
Viêm tắc mạch máu
Dùng một vài trái cà na luộc ăn cái, uống nước hàng ngày, mỗi ngày 200g. Liệu trình 1 – 2 tháng.
Nước thanh nhiệt
Cà na tươi 20g bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Nấu với 0.5 lít nước trong 30 phút, lọc nước uống.
Cà na tươi có tác dụng thanh phế, lợi hầu, khử hỏa, hóa đàm. Rễ lau thanh can nhiệt, vị nhiệt, sinh tân dịch, khỏi ho. Để phát huy tác dụng bạn nên dùng khi còn nóng.
Cách làm cà na đập
Mẹo chọn cà na ngon
• Trái cà na thường có 2 loại: cà na chua và cà na đắng. Trái cà na chua có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay, vỏ mỏng, thịt dày có vị chua và hơi chát. Trái cà na đắng thường to hơn, có hình dài, nhọn ở hai đầu, vỏ dày, thịt mỏng, ít chua, có vị đắng và chát nhiều hơn trái cà na chua.
• Đối với trái cà na đắng, bạn làm món cà na ngâm chua ngọt sẽ ngon hơn cà na chua vì khi ngâm, trái cà na sẽ có độ giòn và không còn vị đắng, chát.
• Đối với cà na chua, bạn có thể chế biến nhiều món hơn, đặc biệt là món cà na đập
Thời gian thực hiện: 20 phút
Thời gian ngâm: 8-10 tiếng
Chuẩn bị nguyên liệu
• Đường cát nhuyễn: 150 gram (khoảng 8 muỗng canh),
• Muối hột: 1 muỗng canh,
• Muối ăn: 1 muỗng cà phê,
• Muối ớt: 1 muỗng cà phê,
• Cà na chua: ½ kg.
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế cà na
• Cà na rửa sạch, bỏ cuống. Ngâm nước muối loãng 3-5 phút để loại bỏ mủ.
• Tiếp đến bạn đặt cà na lên thớt, dùng chày đập dập cà na. Lưu ý đừng đập quá nát nhé.
• Sau khi đập dập cà na, bạn cho cà na vào rổ và mang đi rửa lại với nước nhiều lần để cà na bớt chát.
Bước 2: Ngâm cà na với nước muối loãng
• Tiếp theo, bạn cho cà na vào tô rồi cho tiếp nước lạnh cùng 1 muỗng muối hột. Rồi ngâm trong vòng 1 tiếng.
• Sau khi ngâm, bạn rửa lại cà na khoảng 3 lần và vắt cho thật ráo nước.
Bước 3: Trộn cà na với muối đường
• Trộn cà na với 150 gram đường cát nhuyễn, 1 muỗng cà phê muối bọt và để khoảng 8 – 10 tiếng để đường tan hết (nếu bạn dùng đường cát to thì thời gian tan sẽ lâu hơn).
• Sau khi cà na tan hết đường, cho thêm một muỗng cà phê muối ớt và trộn đều (bạn có thể để thêm ớt bột nếu muốn ăn cay hơn) và để khoảng 15 phút để muối thấm đều là có thể dùng được.