Vì sao bệnh nhân Covid-19 mới 43 tuổi đã diễn biến nặng, suy đa tạng?

Không thuộc nhóm lớn tuổi có nguy cơ, song bệnh nhân số 91 đã phải chạy tim phổi nhân tạo. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngoài vấn đề về độc tính của virus, bệnh nhân có yếu tố béo phì.
Chia sẻ chiều 10/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tình hình dịch tễ các bệnh nhân Covid-19 ở nước ta hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trên thế giới. Cụ thể, với những bệnh nhân lớn tuổi trên 60 tuổi thì tỉ lệ xảy ra diễn tiến nặng tương đối cao. Hiện nước ta có 20 bệnh nhân trên 60 tuổi thì có 4 trường hợp suy hô hấp nặng, phải thở máy.

thutuong
Ở độ tuổi 40-60, nước ta có 69 bệnh nhân, có 2 người phải thở máy. Trong đó có trường hợp bệnh nhân người Anh số 91 đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM khá nặng.
Về lý do tại sao trường hợp này mới 43 tuổi nhưng lại có diễn biến nặng, theo thứ trưởng Sơn bên cạnh vấn đề về độc tính của virus, thì bệnh nhân này cao 1m83, nặng 100kg, có yếu tố béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân có thể đưa bệnh nhân này vào nhóm nguy cơ có thể diễn biến nặng. Điều này phù hợp với các nghiên cứu khác trên thế giới.
“Chúng ta tự hào đến bây giờ chưa có ca tử vong nào. Với những ca nặng, rất nặng chúng ta đã phải căng sức tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi nhất, cử đội ngũ đến hỗ trợ các bệnh viện đang điều trị khi cần lọc máu, chạy can thiệp ECMO- tim phổi nhân tạo. Tiên lượng những ca này vẫn rất nặng nhưng chúng ta đang tập trung đội ngũ thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện y tế hiện đại nhất… Chúng ta cố gắng chiến đấu để có thể cứu chữa, cứu sống những trường hợp nặng này”, Thứ trưởng Sơn nói.
Về vấn đề nghiên cứu khoa học, theo thứ trưởng Sơn, dù đại dịch xảy ra trong thời gian rất ngắn nhưng các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã triển khai rất nhiều nghiên cứu. Các bác sĩ trong nước cũng đang áp dụng các thành tựu nghiên cứu từ các nước trên thế giới, có nghiên cứu riêng để điều trị cho người bệnh như dùng các thuốc điều trị HIV, điều trị sốt rét, điều trị giun sán… Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có được phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Thứ trưởng Sơn gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học, người dân, nhà chuyên môn đã hiến kế đề xuất cho tiểu ban điều trị về một số loại thuốc có thể điều trị cho bệnh nhân Covid-19 kể cả Tây y và Đông y.
Với hoạt động các bệnh viện, thứ trưởng Sơn nhắc lại câu chuyện cách ly bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, đặc biệt là những bệnh nhân chạy thận nhân tạo có hệ miễn dịch suy giảm. Để tránh những tình huống này, thứ trưởng Sơn cho biết Bộ đã có công văn đề xuất người bệnh khi vào thăm khám, cấp cứu, điều trị đều được coi là đối tượng nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Đến 16h ngày 10/4, Việt Nam ghi nhận 257 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 144 người đã được công bố khỏi bệnh.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện bước sang giai đoạn 3 lây lan trong cộng đồng. Có thể lúc này chưa thấy nhiều ca lây trong cộng đồng nhưng có thể có ca mắc mà không biết. Vì thế, điều quan trọng nhất giai đoạn này là phát hiện sớm ca bệnh, những trường hợp tiếp xúc gần liên quan để khoanh vùng, dập dịch.

Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-benh-nhan-covid-19-moi-43-tuoi-da-dien-bien-nang-suy-da-tang-20200410163056924.htm

Từ khóa tìm kiếm: , , ,

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM