Cách đơn giản để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch

Cách đơn giản để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch

Ông bà ta thường dăn dạy: “Có sức khỏe là có tất cả”, ngụ ý đề cao sức khỏe con người. Khi xã hội có quá nhiều ô nhiễm, nguồn độc hại ở khắp mọi nơi thì việc bảo vệ sức khỏe lại là tiêu chí hàng đầu. Chẳng vậy mà xu hướng tìm đến thiên nhiên trong lành, hoặc di chuyển về quê sống của nhiều người cao tuổi tăng đột biến. Chúng tôi mách bạn các cách đơn giản để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch trong môi trường sống hiện nay như sau:

Tầm quan trọng của hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại đến sức khỏe như: Khói bụi, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… và tạo ra những kháng nguyên, kháng thể giúp cơ thể chống chọi lại với những tác nhân gây hại đó, ngăn ngừa bệnh cũ tái phát.

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, vi khuẩn, virus và độc tố có thể tấn công con người, từ đó dẫn đến một số căn bệnh. Dị ứng và quá mẫn cảm với một số chất được cho là có nguyên nhân từ rối loạn hệ miễn dịch. Lúc này, hệ miễn dịch bị lỗi sẽ tự động chiến đấu với các yếu tố không quá nguy hiểm, ví dụ như phấn hoa hoặc lông động vật, khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với chúng.

Rối loạn miễn dịch còn gây ra những bệnh lý như:

  • Các bệnh tự miễn: Tiểu đường ở trẻ vị thành niên, viêm khớp dạng thấp, thiếu máu…
  • Các bệnh suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người), suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng SCID…

Ngoài ra, hệ miễn dịch cũng đóng vai trò chính trong quá trình thải ghép ở những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cấy ghép, thay thế các mô hoặc cơ quan nội tạng.

Chính vì vậy, việc tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch là một hành động cực kỳ cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho bản thân. Hãy cùng tham khảo một số biện pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả dưới đây nhé.

Cách đơn giản để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch

Tăng sức đề kháng bằng cách ăn tỏi

Tỏi là một nguyên liệu có khả năng tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch mà từ lâu ông cha ta đã khuyến khích sử dụng. Trong tỏi có một thành phần gọi là Allicin, nó được biết đến với tác dụng là chất kháng khuẩn rất mạnh. Ngoài ra, tỏi rất giàu Phytonutrient, Garlicin và Selen, những chất chống lại nhiều loại bệnh tật khác nhau, nhất là cảm cúm.

Cách tốt nhất để tăng sức đề kháng đó là ăn tỏi tươi. Nên ăn 3–5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày hoặc có thể chế biến thành tương tỏi, rượu tỏi… để dễ ăn hơn. Hoặc bạn có thể tham khảo tìm mua những chiếc máy làm tỏi đen để làm cho cả nhà cùng ăn. Tỏi đen là thực phẩm có khả năng chống oxy hóa, chống bệnh tật và có rất nhiều tác dụng tốt cho hệ miễn dịch của con người.

Uống mật ong gừng để tăng cường hệ miễn dịch

Một số người không thích ứng được với mùi khó chịu của tỏi thì có thể dùng mật ong và gừng để thay thế cho phương pháp trên. Thành phần mật o­ng chứa nhiều đường hấp thu nhanh như Glucose, Fructose, Maltose, Sucrose, các acid amin, khoáng chất, enzym tiêu hóa…giúp phục hồi sinh lực, chống mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng.

Gừng tươi có tính ấm, vị cay, thơm, gừng khô thì có tính nóng, thơm hắc, do trong gừng có kháng sinh nên việc kết hợp với mật ong thì tác dụng tăng cường đề kháng sẽ cao hơn nhiều lần.

Dùng Vitamin tổng hợp

Các loại Vitamin có tác dụng rất lớn trong việc giúp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt là tăng cường sức đề kháng cho bé. Vì vậy, muốn đủ sức khỏe để có thể chống chọi lại với vi khuẩn, dịch bệnh như dịch Corona, viêm phổi, cảm cúm… thì việc đầu tiên phải làm là bổ sung Vitamin, đặc biệt là Vitamin C cho cơ thể.

Vitamin C là một loại vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, có tính chống oxy hóa và hỗ trợ hệ thống miễn dịch ở mức tế bào. Cụ thể, môt số tế bào trong cơ thể như thực bào cần Vitamin C để thực hiện chức năng của chúng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Vitamin C còn có thể ngăn ngừa và thậm chí điều trị các vấn để nhiễm trùng của cơ thể.

Chúng ta có thể bổ sung các loại Vitamin, bao gồm cả Vitamin C thông qua việc ăn nhiều rau xanh và hoa quả hằng ngày. Tuy nhiên, như thế có thể chưa đủ vì lượng Vitamin trong các loại thực phẩm có thể mất đi ít nhiều trong quá trình nấu ăn cũng như còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của cơ thể. Cho nên, ngoài việc ăn nhiều rau xanh, hoa quả, bạn có thể sử dụng thêm một số loại Vitamin tổng hợp để bổ sung, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, với một số loại Vitamin như Vitamin C, liều lượng không nên quá 2000mg/ngày, nếu không có thể gặp một số triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.

Luyện tập thể dục thể thao

Lười vận động không chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải mà còn làm yếu đi hệ miễn dịch và sức đề kháng. Ngược lại, chỉ cần những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nhanh, cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.

Vì vậy, để giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn, dù bận rộn đến mấy bạn cũng hãy sắp xếp thời gian dành ra khoảng 15 phút trong ngày cho việc tập luyện thể dục thể thao. Chỉ cần một bài tập yoga nhẹ nhàng nhưng duy trì liên tục trong thời gian dài bạn sẽ thấy tác dụng của nó rất đáng kinh ngạc đấy.

Tránh stress, căng thẳng

Stress, căng thẳng dẫn đến mất ngủ kéo dài cũng được cho là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến suy giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch. Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ dần rơi vào trạng thái mệt mỏi, hệ thần kinh phải làm việc nhiều hơn để duy trì sự tỉnh táo cho cơ thể, dẫn đến áp lực cho các bộ phận khác, làm hệ miễn dịch dần bị rối loạn.

Chính vì vậy, một trong những cách phổ biến để tăng sức đề kháng cho cơ thể đó chính là ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, stress quá mức. Bạn có thể áp dụng rất nhiều cách như: Duy trì tập luyện thể dục mỗi ngày, xây dựng thời gian biểu khoa học, cân đối thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi…

Nguồn: englishteacher.edu.vn

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM